Tại Việt Nam Bikini

Du nhập

Áo tắm bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc. Trên báo Tuần lễ (xuất bản năm 1938), Ngô Tất Tố đã tả lại cảnh thiếu nữ Hà thành trình diễn áo tắm với ngòi bút châm biếm sâu cay.

Ngày 6 tháng 6 năm 1938, tại Đồ Sơn, người ta tổ chức cuộc thi áo tắm diễn ra lúc 7 giờ tối, thí sinh gồm 12 cô, đều là "thiếu nữ tân thời" Hà Thành. Ý niệm về mức suy đồi phong hóa nghiêm trọng của sự kiện này đã khiến ký giả thấy phải dùng đến ngọn bút "tả chân" mà ông vốn mạnh không kém Vũ Trọng Phụng: "Lúc ấy đã sâm sẩm tối, mấy nghìn ngọn đèn điện của Đồ Sơn chói lọi chiếu xuống, 12 chị thí sinh lần lượt diễu trên cầu Bạc với những bộ áo tắm rất mốt. Xin nói sơ lược mà rằng: Cả 12 chị đều không ngượng nghịu mà thiên hạ cùng xem tất cả những sự bí ẩn: bộ háng trắng phốp, mông đít tròn như cái dành!".

Ngô Tất Tố làm ra vẻ đồng tình dư luận rằng đấy là "sự tiến bộ", nhưng thực ra ông châm biếm sâu cay: "kể ra thì vẫn chưa "tiến bộ" bằng đời vua Kiệt nhà Hạ bên Tàu thời cổ sơ, cho con gái cùng con trai hoàn toàn khỏa thân tắm trong Dao Đài!" Ông viết đoạn kết trong giọng mỉa mai: "… phụ nữ Việt Nam hồi này tiến lên rất mau, mới trong hai tháng, các chị ấy đã tiến từ quần soóc đi xe đạp đến áo tắm lượn trên cầu, thì chẳng bao lâu nữa sẽ có nhiều chị theo kịp bọn con gái của vua Kiệt! Khi ấy chắc có nhiều ông văn sĩ sẽ mặc sức tán dương. Nhưng không biết họ có chịu để cho vợ họ tiến bộ theo kiểu đó không?". Chưa "tiến bộ" bằng thời vua Kiệt nhà Hạ cách nay gần 4.000 năm, ấy là cách nói mỉa mai, rằng đạo đức lối sống trong xã hội Việt đang suy thoái về thời thái cổ.

Ngòi bút Ngô Tất Tố đã ghi được những sự việc sớm sủa "có một không hai" đương thời, chính ông cũng không ngờ những gì mà mình châm biếm lại diễn ra ngày càng phổ biến trong xã hội Việt Nam ngày nay[18].

Bị phản đối ở các cuộc thi hoa hậu, người đẹp Việt Nam

Năm 1988, Việt Nam bắt đầu tổ chức thi người đẹp, hoa hậu. Ban đầu cuộc thi không có phần thi áo tắm, rồi sau đó mấy năm là thi áo tắm một mảnh, rồi kể từ năm 2008 bắt đầu chuyển sang áo tắm hai mảnh (bikini). Ý nghĩa của các cuộc thi người đẹp ngày càng bị bóp méo, không còn là nơi tôn vinh trí tuệ, tâm hồn mà giống như một cuộc thi thương mại "tuyển gái đẹp cho đại gia", trong đó các thí sinh càng ăn mặc hở hang để câu khách thì càng tốt. Thế là trang phục áo tắm ở các cuộc thi người đẹp tại Việt Nam cũng ngày cảng "thu nhỏ" lại và độ hở hang ngày càng tăng lên.

Hiện nay, tại Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc thi người đẹp, phần lớn đều có phần thi bikini. Tuy nhiên, Việt Nam là 1 nước Á Đông với thuần phong mỹ tục tôn trọng sự kín đáo của phụ nữ, hình ảnh thí sinh mặc bikini hở hang trong các cuộc thi người đẹp khiến nhiều người cảm thấy rất phản cảm và coi đó là khiêu dâm trá hình. Nhiều thiếu nữ giàu lòng tự trọng đã không muốn đăng ký dự thi, nhiều người khác bị gia đình phản đối vì phần thi này. Nhiều màn trình diễn của các cô gái trẻ với bikini bị công chúng đem ra bình phẩm, giễu cợt như bụng ngấn mỡ, đùi to... Dù cố tình hay vô tình, những lời bình phẩm, chỉ trích đối với thân thể phụ nữ đều khiến họ bị tổn thương ít nhiều. Những thí sinh dự thi đa phần chỉ là những cô gái mới lớn đã phải hứng chịu những bình phẩm ác ý từ hàng triệu khán giả về cơ thể của mình, rõ ràng đó là một sự phản nhân văn. Khi phần thi này được phát sóng lên truyền hình hoặc chụp ảnh đưa lên báo chí, việc chứng kiến cơ thể hở hang, lộ liễu của các thí sinh cũng gây tác động xấu về văn hóa (cổ súy trào lưu ăn mặc hở hang, khêu gợi trong thanh niên; hoặc khiến những đối tượng như người già, trẻ em bị ảnh hưởng xấu về tâm lý...)

Trước kia các cuộc thi người đẹp ở Việt Nam vốn không có phần thi áo tắm, thí sinh chỉ trình diễn các trang phục truyền thống, lễ phục tao nhã để không gây phản cảm cho người xem. Á hậu Hoàng Thị Liên, từng đăng quang tại cuộc thi “Hoa hậu xứ Mường” năm 1942, đã khôi hài phê phán phần thi áo tắm trong các cuộc thi người đẹp hiện nay: "Mế cũng xem nhiều cuộc thi hoa hậu hiện nay, sao mà các cô ấy đi thi hoa hậu bây giờ vất vả thế, nhất là thi kiểu gì mà mặc quần áo như hai cái lá cây (bikini 2 mảnh) mà không thấy lạnh hay xấu hổ, sao mà trông hãi thế”. Theo bà thì “Cái đẹp không phải đo vòng này vòng nọ. Cái đẹp phải là cái đẹp tự nhiên, cái có sẵn thì nó mới đẹp chứ"[19]

Nhiều ý kiến phê phán màn thi bikini trong cuộc thi hoa hậu chính là tàn dư của thời trung cổ, khi nữ nô lệ phải công khai phô diễn cơ thể trần trụi trên sân khấu để người xem chấm điểm, bình phẩm và định giá

Có người đã chỉ ra rằng: nhiều người cổ vũ tổ chức màn thi bikini trong các cuộc thi hoa hậu vì nó giúp họ có thể được săm xoi cơ thể hở hang của các người đẹp, nhưng "nếu đặt mình vào vị trí phụ huynh hoặc người thân của thí sinh, liệu họ sẽ cảm thấy thế nào khi chứng kiến cô con gái non nớt của mình phô bày thân thể trước hàng triệu người xa lạ như vậy?"[4] Có quan điểm còn cho rằng màn thi bikini là tàn tích xa xưa của việc mua bán nô lệ, tại đó nữ nô lệ bị lột trần trên sân khấu để hàng nghìn người định giá thông qua việc soi xét cơ thể trần trụi của họ.[5]

Nhiều người cũng nêu ra một nghịch lý của pháp luật Việt Nam: các ca sĩ, vũ công khi trình diễn trên sân khấu đều phải chấp hành quy định chặt chẽ về cấm trang phục khiêu dâm (áo không được quá mỏng, váy không được ngắn quá bắp đùi) để không gây phản cảm cho công chúng, nhưng trang phục tại các cuộc thi hoa hậu thì lại bị buông lỏng, cho tới nay vẫn chưa có văn bản pháp luật quy định chi tiết về trang phục trong các cuộc thi hoa hậu (hở đến đâu thì được, và đến đâu thì không được). Do vậy, các thí sinh hoa hậu lại được trình diễn bikini thiếu vải trên sân khấu và còn được truyền hình công khai cho hàng triệu khán giả, bao gồm cả người giàtrẻ em, dù bikini là loại trang phục "không thể hở hang hơn" và mức phản cảm, khiêu dâm còn cao hơn nhiều so với váy ngắn của ca sĩ, vũ công.

Có ý kiến cho rằng thi bikini là yếu tố quan trọng giúp đánh giá vẻ đẹp, vóc dáng của thí sinh nên không thể bỏ. Tuy nhiên, phân tích kỹ thì các thí sinh đều đã trải qua những vòng kiểm tra nhân trắc học rất kĩ lưỡng do những chuyên gia thực hiện, ban giám khảo cũng có thể đánh giá chính xác vẻ đẹp hình thể của họ ngay trong phòng kín, việc trình diễn công khai vốn không cần thiết. Vậy tại sao lại buộc các cô gái phải trình diễn bikini, phô bày cơ thể hở hang công khai trước cả ngàn người?[20] Ví dụ như cuộc thi Hoa khôi sinh viên Việt Nam không hề có phần thi bikini (bởi không phù hợp với tiêu chí cuộc thi), nhưng cũng không ảnh hưởng tới việc chấm điểm hình thể người đẹp của ban giám khảo, bởi lẽ các số đo nhân trắc học của các thí sinh đã là một căn cứ chấm điểm hình thể khá chuẩn xác[17] Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì thẳng thắn chỉ ra:

"Lấy lý do phần thi thi áo tắm là cần thiết để ban giám khảo chấm hình thể của các thí sinh là không đúng. Nó thực chất chỉ là màn trình diễn để mát mắt người xem mà thôi."[4]

Giữa năm 2018, ông Lê Minh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết cơ quan quản lý sẽ lấy ý kiến về việc có nên bỏ phần thi bikini tại các cuộc thi người đẹp, hoa hậu ở Việt Nam. Ông Tuấn cho biết việc này diễn ra sau khi cuộc thi Hoa hậu Mỹ tuyên bố loại bỏ màn thi bikini khỏi cuộc thi từ năm 2018, gửi đi một thông điệp văn hóa về ủng hộ nữ quyền và chống nạn bình phẩm, chế giễu thân thể phụ nữ: "Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ thấy phần thi bikini cho tới thời điểm này không cần thiết nữa, họ muốn hướng đến tập trung vào đánh giá trí tuệ của thí sinh thì đó cũng là một yếu tố tích cực". Cục Nghệ thuật Biểu diễn đề xuất việc thi bikini nên được thay bằng trang phục khác phù hợp hơn, vẫn thể hiện được vẻ đẹp hình thể mà không hở hang lộ liễu, như là trang phục thể thao, Aerobic.

Các ý kiến phản đối

Khi tư tưởng về quyền phụ nữ được nâng lên, nhiều người đã lên tiếng ủng hộ việc bỏ bikini trong các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam. Hoa hậu Việt Nam năm 2010 Đặng Ngọc Hân nói: “Tôi xuất thân là người mẫu nên việc tự tin thể hiện bản thân trước khán giả là điều đơn giản. Tuy vậy, không phải thí sinh nào trong cuộc thi cũng thấy thoải mái khi mặc bikini trên sân khấu. Ví dụ, ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, Nhã Uyên và Na Uy - hai thí sinh đến từ Huế, vùng đất còn nặng tính truyền thống - phải vượt qua ngại ngần để diễn áo tắm. Ban tổ chức khi ấy phải thuyết phục hai cô và gia đình rất nhiều để họ tham gia phần thi". Ngọc Hân nói rằng không cần phải buộc các cô gái mặc bikini mỏng manh trình diễn trên sân khấu trước rất đông khán giả thì mới chấm điểm được ngoại hình thí sinh bởi ống kính máy quay, những chỉ số đo đạc hình thể được bác sĩ chuyên môn thực hiện trong phòng kín mới là chính xác nhất.[21]

Hoa hậu Việt Nam năm 2016 Đỗ Mỹ Linh cho rằng: "Với sự phát triển và thay đổi tư duy của xã hội hiện nay, vẻ đẹp ngoại hình theo tôi không còn quá được chú trọng. Khán giả mong muốn tìm ra những cô gái có vẻ đẹp tâm hồn, sự thông minh, tự tin, biết cách tỏa sáng". Cô cho rằng việc bỏ phần thi bikini cũng sẽ giúp loại bỏ được tư tưởng "body shaming" trong xã hội (trêu chọc, chê bai phụ nữ vì khiếm khuyết cơ thể của họ).

Các sân khấu trưng bày nữ nô lệ thời trung cổ thường lột quần áo của nữ nô lệ và ép họ tạo dáng để khán giả bình phẩm, định giá. Theo các tổ chức nữ quyền, phần thi bikini trên sân khấu thi hoa hậu chính là sự lặp lại hủ tục này và cần phải xóa bỏ

Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho biết: bà đồng tình với việc bỏ phần thi áo tắm trong các cuộc thi hoa hậu, vì trong một chừng mực nào đó, phần thi này hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ. Trong một cuộc thi hoa hậu, vẻ đẹp hình thức cũng quan trọng, nhưng có nhiều cách để đánh giá vẻ đẹp này chứ không cần các cô gái phải trình diễn áo tắm phản cảm, diễn ra công khai cho hàng triệu người xem. Bà đề xuất: một nhóm ban giám khảo có thể đo chỉ số hình thể và đánh giá vẻ đẹp thí sinh, nhưng quy trình này cần diễn ra nội bộ trong phòng kín, không diễn ra trên sân khấu công khai, cũng không được công bố hình ảnh hoặc chiếu lên sóng truyền hình cho công chúng, bởi màn thi này là rất phản cảm đối với rất nhiều người (như người già, trẻ em hoặc các nhóm ủng hộ nữ quyền, đạo đức truyền thống, người dân tộc thiểu số...), trong khi lại khiến nhiều thí sinh bị tổn thương khi cơ thể họ bị dư luận bình phẩm, thậm chí chế giễu. Bà Khuất Thu Hồng nói[5]:

“Nó (màn thi bikini) gợi lại cho tôi những tàn tích xa xưa của việc mua bán nữ nô lệ, họ bị lột trần trên sân khấu để hàng nghìn người soi mói, đánh giá những đường nét trên cơ thể của họ, như thế rất phản cảm. Có nhiều cách để đánh giá vẻ đẹp của người phụ nữ, không nhất thiết phải thông qua phần thi áo tắm như vậy

Dù người ta có gắn cho màn thi áo tắm bao nhiêu từ mỹ miều thì bản chất của nó vẫn là coi những người phụ nữ như một món hàng, đưa họ xuất hiện với trang phục hở hang, phô bày cơ thể trước toàn xã hội, để người này soi chân bình phẩm, người kia so mông cô này, ngực cô kia[22]

Phó giáo sư Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng ban tổ chức nên đánh giá hình thể thí sinh một cách kín đáo bởi ban giám khảo là những người có chuyên môn về nhân trắc học, và không được công khai hình ảnh thí sinh mặc đồ thiếu vải trên truyền thông và sân khấu. Bà bày tỏ quan điểm[20]:

Nhìn cảnh các cô gái trẻ mặc bikini tại các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam, trước những ánh nhìn khoái trí của những người khác giới và cả những lời dè bỉu của hàng nghìn con mắt, tôi cảm thấy khó chịu thay cho họ. Việc phơi trần cơ thể cho thiên hạ ngắm nghía ở các màn thi bikini, áo tắm chỉ đáp ứng sự “no con mắt” về da thịt nhưng có ai nghĩ rằng về một góc độ nào đó thì đã phương hại đến người phụ nữ. Tôi bị dị ứng trước lời bình phẩm quá lố trước các phần thi trang phục bikini ở Việt Nam

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang cho rằng[4]:

Nhiều biến tướng tiêu cực đã xảy ra với các cuộc thi hoa hậu khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến việc thí sinh thoải mái với việc cởi và phô diễn thân thể, vậy thì những thứ liên quan đến ái dục cũng sẽ dễ dàng. Việc "gạ tình", "quấy rối", "mua bán" ngay trong các cuộc thi hoa hậu ở nước ta đã có và từng bị tố cáo... Từ đó, số lượng lớn người đã nghĩ về các cuộc thi hoa hậu (tổ chức ngày càng nhiều) như một cuộc tuyển chọn phụ nữ đẹp có mục đích thương mại, chứ không đơn thuần là chọn lựa một phụ nữ tiêu biểu về trí tuệ, đức hạnh, đầy đủ các năng lực phẩm chất tích cực với ngoại hình đẹp để đảm bảo đúng danh nghĩa "hoa hậu".

Việc bỏ màn thi áo tắm đồng nghĩa với việc đề cao nhân phẩm của người phụ nữ trong các cuộc thi hoa hậu, đó là điều nên làm.

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh cho rằng[4]:

Có rất nhiều tổ chức nữ quyền từng lên tiếng phản đối các cuộc thi hoa hậu nói chung và phần thi áo tắm nói riêng vì coi đó như việc buôn bán thân xác phụ nữ... Cuộc đấu tranh lâu dài này cuối cùng đã bước đầu có kết quả và làm ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu ở các quốc gia khác phải suy nghĩ.

Có người cho rằng bikini là trang phục cho phép thí sinh thể hiện vẻ đẹp hình thể của mình rõ ràng nhất, tuy nhiên đây là nhiệm vụ của bộ phận kiểm tra nhân trắc học của cuộc thi và của ban giám khảo chứ không phải của khán giả. Hãy đặt mình vào vị trí phụ huynh hoặc người thân của thí sinh, liệu chúng ta sẽ cảm thấy thế nào khi chứng kiến con gái non nớt của mình phô bày thân thể trước hàng triệu người xa lạ như vậy?

Vì thế, tôi tha thiết mong ban tổ chức các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam trong thời gian tới nên tiếp thu tinh thần cải cách của cuộc thi Hoa hậu Mỹ bằng cách loại bỏ phần thi bikini...

Từ năm 2019, một số cuộc thi người đẹp tại Việt Nam đã tuyên bố sẽ hủy bỏ phần thi áo tắm. Ông Lê Ngọc Dũng, trưởng ban chỉ đạo cuộc thi Nữ hoàng trang sức Việt Nam, tuyên bố: "Không thi trình diễn bikini trên sân khấu là xu hướng mà các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới đang hướng tới. Chúng tôi quyết định trở thành đơn vị đầu tiên từ bỏ truyền thống thi trình diễn áo tắm trên sân khấu đêm chung kết". Cuộc thi "Người đẹp xứ Dừa năm 2019" cũng loại bỏ phần thi trang phục áo tắm, thay vào đó là phần thi trang phục áo bà ba nhằm tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Bến Tre. Ông Bùi Văn Chương - phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bến Tre - nói đây là quyết tâm của Bến Tre để "phá một tảng băng" trong các cuộc thi người đẹp ở Việt Nam: "Những người từng chấm thi người đẹp mà chúng tôi tham khảo ý kiến đã rất ủng hộ chúng tôi bỏ phần thi áo tắm. Họ nói rằng mỗi khi ngồi chấm thi phần áo tắm thì đến chính họ cũng… ngượng"[23] Ông Trần Hướng Dương - cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn - nói: "Chúng tôi coi việc ban tổ chức cuộc thi hoa hậu 2019 ở Venezuela không công bố số đo 3 vòng của các thí sinh như một thông tin để tham khảo cho hoạt động quản lý nhà nước của mình. Liên hệ với Việt Nam, trong năm nay đã có vài cuộc thi sắc đẹp bỏ phần thi bikini, quan điểm của chúng tôi là cái gì tốt, đảm bảo tính văn hóa của các cuộc thi thì chúng tôi đều ủng hộ. Về việc thi bikini, hiện dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều. Tuy vậy, tới đây nếu dư luận đồng thuận thì chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng sửa đổi các quy định"[24].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bikini http://www.bikiniscience.com/chronology/1945-1950_... http://www.channel4.com/film/newsfeatures/microsit... http://abcnews.go.com/Lifestyle/miss-world-pageant... http://www.slate.com/id/2145070/ http://www.vnexpress.net/GL/The-gioi/Anh/2009/07/3... http://www.metmuseum.org/toah/hd/biki/hd_biki.htm http://news.bbc.co.uk/2/hi/in_depth/5130460.stm http://www.huffingtonpost.co.uk/2013/06/10/miss-wo... http://afamily.vn/phan-thi-bikini-nong-bong-den-va... http://www.24h.com.vn/thoi-trang/hoa-hau-the-gioi-...